Lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị táo bón đúng cách
Táo bón là tình trạng rất dễ gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa của bé còn yếu. Biết chăm sóc đúng cách khi trẻ bị táo bón sẽ giúp con bạn sớm thoát khỏi nỗi sợ hãi này.
Một số thông tin về tình trạng táo bón ở trẻ em
Táo bón là triệu chứng rất phổ biến ở trẻ nhỏ, bạn cần chú ý để có sự quan tâm trẻ đúng mức. Bởi tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón, bao gồm cả ăn uống, bệnh lý và các vấn đề khác. Cụ thể như nhịn đi vệ sinh, không cung cấp đủ chất xơ, chuyển từ sữa mẹ sang thức ăn đặc, tác dụng phụ của thuốc. Một số bệnh lý liên quan có thể là rối loạn điện giải, nhược giáp, ngộ độc chì, bệnh lý cột sống…
Bạn cần chú ý đến các triệu chứng đặc trưng để kịp thời phát hiện khi trẻ bị táo bón. Thường trẻ sẽ đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần, có biểu hiện đau rát khi đại tiện. Ngoài ra, trẻ có thể bị són phân không kiểm soát, đau bụng quanh rốn… Trường hợp táo bón nặng và kéo dài thì trẻ có thể gặp khó khăn khi đi tiểu, mệt mỏi, biếng ăn, chậm tăng cân…
Tình trạng táo bón ở trẻ em mặc dù không nguy hiểm nhưng nếu không can thiệp kịp thời và đúng cách thì có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Điển hình nhất là trẻ không tiêu hóa và hấp thụ được dưỡng chất, dẫn đến kém phát triển. Đồng thời còn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như sinh hoạt thường ngày.
Cách chăm sóc trẻ bị táo bón để con thoát khỏi nỗi sợ
Để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, bạn cần chăm sóc đúng cách khi trẻ bị táo bón. Hãy chú ý đến một số vấn đề sau đây:
1. Thiết lập chế độ ăn uống
Việc thiết lập chế độ ăn uống cho trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, đặc biệt nhất vẫn là độ tuổi của trẻ.
Trẻ đang bú sữa mẹ:
- Cần kiểm tra xem trẻ đã được cung cấp đủ lượng sữa cần thiết chưa.
- Mẹ cần bổ sung chất xơ từ rau củ quả đồng thời uống đủ nước.
- Bên cạnh đó cần tránh đồ ăn cay nóng hay các chất kích thích khi đang trong quá trình cho bé bú.
- Trường hợp trẻ dùng sữa công thức thì mẹ cần chú ý pha sữa đúng cách.
Trẻ đang trong thời kỳ ăn dặm:
- Không nên chuyển đột ngột từ bú sữa sang ăn dặm.
- Cung cấp đủ lượng nước mà cơ thể trẻ cần.
- Không nên cho trẻ ăn thức ăn quá đặc.
- Kết hợp thêm khoai lang, mồng tơi và thực phẩm nhuận tràng trong khẩu phần ăn dặm của trẻ.
Trẻ đã qua thời kỳ ăn dặm:
- Bạn cũng cần cho trẻ uống đủ nước.
- Bổ sung thêm chất xơ từ rau củ quả hay ngũ cốc nguyên cám vào khẩu phần ăn của trẻ.
- Không nên cho trẻ ăn các thực phẩm cay nóng, khó tiêu.
- Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, tránh để trẻ ăn quá no khi đang bị táo bón.
Chế độ dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Chính vì thế bạn cần chú ý cho trẻ ăn uống khoa học dù trẻ đang ở bất cứ độ tuổi nào. Đặc biệt là khi trẻ đang bị táo bón, việc điều chỉnh chế độ ăn nên được ưu tiên hàng đầu.
2. Một số vấn đề khác
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp thì bạn cũng nên chú ý đến một số vấn đề khác khi trẻ đang bị táo bón. Cụ thể như:
- Massage vùng bụng cho trẻ theo chuyển động tròn từ phải sang trái. Điều này không chỉ giúp kích thích nhu động ruột mà còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Tập cho trẻ có thói quen đại tiện theo một khung giờ nhất định. Tuy nhiên, cần tránh chọn thời điểm ngay sau bữa ăn.
- Một số trẻ đang trong độ tuổi đến trường sẽ có thể bị căng thẳng do áp lực bài vở. Tốt nhất bạn nên cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi của trẻ.
- Tập cho trẻ vận động thường xuyên hay vui chơi thể dục thể thao để tăng cường sự vận động của các cơ ở bụng và hậu môn.
3. Khi nào cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ?
Táo bón ở trẻ em thường không gây nguy hiểm và có thể khắc phục dễ dàng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tình trạng này có thể kéo dài hay tái đi tái lại nhiều lần. Đặc biệt nó có thể còn là dấu hiểu cảnh báo các vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng hơn.
Tốt nhất nên chủ động đưa trẻ thăm khám trong một số trường hợp sau:
- Tình trạng táo bón kéo dài mà việc ăn uống hay chăm sóc tại nhà không thể đáp ứng.
- Trẻ đau bụng quặn thắt, dữ dội.
- Đại tiện có xuất hiện máu đi kèm.
- Hậu môn trẻ sưng tấy, ngứa rát, đau hậu môn dữ dội hơn khi đại tiện.
- Trẻ mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, sốt…
Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để xác định hiện trạng. Từ đó đưa ra phương án can thiệp phù hợp nhất. Với những trẻ bị táo bón nặng, thuốc kích thích nhu động ruột hay thuốc nhuận tràng có thể sẽ được chỉ định. Việc dùng thuốc cho trẻ cần hết sức cẩn trọng để tránh những tác dụng không mong muốn phát sinh.