Làm gì khi trẻ bị mềm sụn thanh quản?

Mềm sụn thanh quản gây những tiếng thở khò khè đối với trẻ sơ sinh, và cũng là bất thường bẩm sinh phổ biến nhất tại vùng thanh quản. 99% trẻ sẽ dần dần tự khỏi mà không cần tới điều trị.

 

1. Bệnh mềm sụn thanh quản ở trẻ nhỏ

Mềm sụn thanh quản được coi là một bất thường bẩm sinh khiến cho vùng thượng thanh môn sẽ bị hẹp lại trong thì hít vào, dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn tại đường hô hấp trên từng cơn và tiếng rít thanh quản.

2. Cách khắc phục mềm sụn thanh quản

2.1. Chẩn đoán

Chẩn đoán trẻ mắc chứng mềm sụn thanh quản bằng cách nội soi với ống mềm sẽ thấy nắp sụn thanh quản phồng, và ép lực vào vùng tiền đình của thanh quản mỗi lúc hít vào. Nắp sụn mềm kéo dài, xếp thành nếp, nhìn nghiêng giống ký hiệu omega Ω. Mỗi lúc trẻ hít hơi vào nắp sụn che kín lại hoặc ép lên thanh môn khiến thanh môn bị hẹp lại gây tắc nghẽn, trẻ khó khăn trong việc thở và xuất hiện âm thanh rít lên. Thực tế, tiếng rít đó được gây ra bởi nguyên nhân tuyến hung trở nên to bất thường, hay do bệnh tim mạch, bệnh phổi từ bẩm sinh..., người ta thường đo pH để đánh giá được mức trào ngược của dạ dày tá tràng.

Trẻ khó khăn trong việc thở và xuất hiện âm thanh rít lên

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi phần thanh quản để xác định bệnh. Bằng cách đưa ống mềm, kích thước nhỏ qua mũi, bác sĩ sẽ thấy đường dẫn khí trên, thấy cấu trúc thanh quản, cách thanh quản chuyển động. Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán được bệnh đang diễn biến ra sao. Thủ thuật diễn ra tuy nhanh gọn nhưng sẽ khiến trẻ khó chịu, tiến hành tại phòng khám, thời điểm trẻ thức, không cần gây mê.

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang khi cần để xác định các vấn đề có thể đi kèm bệnh. Chụp chiếu X-quang tại vùng cổ và vùng ngực sẽ giúp bác sĩ thấy được cấu trúc đường hô hấp dẫn khó dưới nắp sụn thanh môn. Và hơn thế nữa, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi đường thở bằng huỳnh quang để thấy các cấu trúc cơ quan khác của vùng cổ, vùng ngực mỗi lúc trẻ thở.

2.2. Điều trị

2.2.1. Phương pháp điều trị cơ bản

  • Điều trị nội khoa

Trên 99% sẽ dần dần tự khỏi mà không cần điều trị, hầu như đa số sẽ hết khò khè khi được 2 tuổi. Tiếng khò khè sẽ tăng trong 6 tháng đầu sau sinh vì lượng khí trẻ hít thở sẽ tăng theo tuổi. Sau tuổi đó tiếng khò khè không tăng nữa và giảm dần rồi biến mất. Nhiều trường hợp, các triệu chứng biến mất nhưng đặc điểm bệnh học vẫn còn kéo dài cho đến lớn và trẻ có thể bị khò khè trở lại khi gắng sức hay thỉnh thoảng khi bị nhiễm virus hệ hô hấp.

Bệnh này không có loại thuốc đặc hiệu điều trị, chỉ có thể tăng cường bổ sung vitamin D cùng canxi. Thường điều trị khi có trào ngược dạ dày thực quản và các nhiễm trùng hô hấp đi kèm.

Nếu trẻ vẫn bú được, chơi được, tăng cân bình thường, chỉ có thở khò khè trong 2 tháng đầu sau sinh thì không cần xử trí gì thêm. Mềm sụn thanh quản là một chẩn đoán thường gặp và bác sĩ sẽ trấn an cha mẹ của trẻ về tính chất dạng bệnh này.

Khi nào trẻ cần nhập viện?

Hầu hết các trường hợp không cần thiết nhập viện trừ khi trẻ có dấu hiệu thiếu oxy hay ngừng thở. Trường hợp độ bão hòa oxy máu cao hơn 90% thì không cần thở oxy. Khi trẻ gặp tình trạng thiếu oxy nặng cần phải nhập viện để đo nồng độ oxy máu. Nếu nồng độ oxy máu trong lúc nghỉ <90% thì trẻ sẽ được cho thở oxy.

Điều trị ngoại trú

Không cần cho trẻ uống thêm thuốc gì khác.

Tái khám theo chỉ định của bác sĩ nếu có

Vẫn tiêm chủng bình thường cho trẻ.

  • Điều trị ngoại khoa

Đối với những trường hợp bệnh nặng gây trẻ khó bú, kém tăng cân và phát triển, có thể dùng phẫu thuật.

Phẫu thuật chỉ đơn giản chủ yếu là tạo hình các cấu trúc nâng đỡ quanh nắp thanh quản, lấy đi những phần mô thừa gây tắc khí đạo.

Rất hiếm khi phải áp dụng phẫu thuật để điều trị mềm sụn thanh quản. Nếu trẻ đã được phẫu thuật rồi thì vẫn nên tiếp tục điều trị trào ngược dạ dày thực quản và các bậc cha mẹ vẫn rất cần theo dõi các dấu hiệu chuyển biến xấu để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Các phương pháp phẫu thuật mềm sụn thanh quan đối với trẻ nhỏ: nội soi tại thanh quản, nội soi phế quản, vi phẫu thuật chỉnh hình thanh quản trên.

Phẫu thuật mềm sụn thanh quản có nguy hiểm không?

Các tai biến của phẫu thuật chỉnh hình thượng thanh môn và mở khí quản là hoàn toàn có thể xảy ra. Nguy cơ tai biến và di chứng của mở khí quản có tỷ lệ tử vong là 2%. Tuy nhiên, bắt buộc vẫn phải tiến hành phẫu thuật trong trường hợp trẻ bị bệnh nặng và có chỉ định của bác sĩ.

2.2.2. Điều trị theo mức độ của bệnh

Tùy thuộc vào mức độ bệnh ta cũng sẽ có từng biện pháp điều trị cụ thể theo từng phác đồ như sau:

  • Mức độ nhẹ

Theo dõi:

Trên lâm sàng có tiếng rít thanh quản, và qua nội soi ghi nhận được các đặc điểm của mềm sụn thanh quản. Không có suy hô hấp và không có bằng chứng chậm tăng trưởng ở trẻ. Những trường hợp này có thể theo dõi và không cần can thiệp phẫu thuật. Có thể trấn an về khả năng tự thoái lui của bệnh. Tái khám định kỳ và theo dõi tăng trưởng cho tới khi bệnh thoái lui.

Điều trị hỗ trợ:

Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản khi cần thiết. Mềm sụn thanh quản và trào ngược dạ dày thực quản là hai bệnh lý thường có liên quan với nhau, và bệnh lý này có thể làm nặng thêm bệnh lý còn lại. Nếu nghi ngờ nên đánh giá và điều trị trào ngược. Kiểm soát trào ngược có thể giúp cải thiện mức độ tắc nghẽn đường dẫn khí, bằng cách làm giảm phù nề và viêm niêm mạc vùng thanh quản.

Biện pháp:

Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn đặc, ăn trong tư thế thẳng lưng người, kết hợp uống một số loại thuốc giảm tiết dịch axit dạ dày, thuốc hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày.

  • Mức độ trung bình

Phương án 1: Theo dõi

Trên lâm sàng trẻ có tiếng rít thanh quản, co kéo cơ hô hấp phụ, khó cho trẻ bú, và sụt cân hoặc tăng cân không đủ. Cần đánh giá triệu chứng trào ngược và khó nuốt để điều trị thích hợp.

Nên theo dõi sát tình trạng của trẻ nhằm phát hiện xem bệnh có trở nặng thêm không?, có tắc nghẽn đường dẫn khí nhiều hơn hoặc bú khó hơn không?, cân nặng có phù hợp với biểu đồ tăng trưởng theo lứa tuổi hay không?.

Điều trị hỗ trợ:

Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản khi cần thiết.

Phương án 2: Phẫu thuật

Chỉ định:

Khi trẻ bị tắc nghẽn đường thở nặng và gây suy hô hấp, hoặc khi trẻ không thể bú đủ để tăng trưởng bình thường.

Phẫu thuật thường dùng là phương pháp tạo hình sụn phễu - thanh môn nhằm chỉnh hình lại vùng thượng thanh môn và giải phóng sự tắc nghẽn.

Điều trị hỗ trợ:

  • Mở khí quản khi cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các nguy cơ tai biến và di chứng của mở khí quản có tỷ lệ tử vong là 2%.
  • Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản khi cần thiết.

Phương án 3: Thở áp lực dương hai thì - BiPAP

Chỉ định:

Những trường hợp có thể ngừng thở lúc ngủ, hoặc đã phẫu thuật nhưng không giúp cải thiện tình trạng hoặc ở những trẻ có chống chỉ định phẫu thuật.

BiPAP cũng có thể dùng như một biện pháp giúp trì hoãn. Ví dụ, BiPAP có thể giúp kéo dài khoảng thời gian giữa hai lần phẫu thuật.

Điều trị hỗ trợ :

Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản khi cần thiết.

  • Mức độ nặng

Phương án 1: Phẫu thuật

Chỉ định:

Bệnh mức độ nặng gặp ở 10%-15% trường hợp. Tạo hình nẹp phễu - thanh quản nhằm giải phóng tắc nghẽn vùng thượng-thanh-môn là biện pháp thường được dùng.

Điều trị hỗ trợ:

  • Mở khí quản khi cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các nguy cơ tai biến và di chứng của mở khí quản có tỷ lệ tử vong là 2%.
  • Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản khi cần thiết.

Phương án 2: Thở áp lực dương hai thì - BiPAP

Chỉ định:

Những trường hợp có thể ngừng thở lúc ngủ, hoặc đã phẫu thuật nhưng không giúp cải thiện tình trạng hoặc ở những trẻ có chống chỉ định phẫu thuật.

Điều trị hỗ trợ:

Điều trị trào ngược dạ dày - thực quản khi cần thiết.

3. Làm gì khi trẻ bị mềm sụn thanh quản?

Làm gì khi trẻ bị mềm sụn thanh quản

Cho con bú đúng cách

Bệnh mềm sụn thanh quản hiện không có phương thuốc đặc trị, cha mẹ có thể cho trẻ bổ sung vitamin D, canxi. Chính vì vậy, bệnh này rất khó phòng ngừa được bởi nguyên nhân không rõ ràng.

Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Hạn chế cho trẻ nằm ngửa

Dưới tác dụng của trọng lực, lớp mô sụn thanh quản càng sa vào đường thở của trẻ càng làm trẻ thở khò khè hơn. Đối với trẻ sơ sinh, bạn nên cho trẻ nằm nghiêng, thi thoảng lại trở mình cho trẻ cho đỡ mỏi người, còn với trẻ lớn hơn thì bé sẽ tự nằm theo tư thế mà bé cảm thấy dễ thở nhất.

  • Cho con bú đúng cách

Một số trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ rất khó bú. Vì thế mẹ cần phải tỉnh táo khi cho con bú để điều chỉnh lượng sữa vừa với sức bú của trẻ, tránh hiện tượng sặc sữa rất nguy hiểm.

  • Vệ sinh mũi họng trước khi ngủ

Trước khi đi ngủ, bạn nhớ làm vệ sinh mũi cho trẻ bằng dung dịch muối sinh lý để mũi bé được thông thoáng, giúp bé thở dễ dàng hơn. Trẻ bị mềm sụn thanh quản hay thở bằng miệng khi ngủ, bạn nên thoa bôi kem dưỡng môi cho bé để tránh hiện tượng môi khô, nứt nẻ, trẻ bú sẽ rất khó khăn.

  • Tăng cường sức đề kháng

Hạn chế tối đa các bệnh liên quan đến đường hô hấp vì trẻ bị mềm sụn thanh quản càng thở khò khè hơn khi mắc thêm các bệnh này. Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm thì bố mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm có chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp thông thường.

  • Khám định kỳ

Khám và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ theo định kỳ. Nếu trẻ bị mềm sụn thanh quản dẫn đến sụt cân, ngưng thở, bỏ bú,... thì phải đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được hỗ trợ kịp thời. Cha mẹ nên định kỳ cho trẻ tới viện đo độ độ bão hoà oxy tươi trong máu.

  • Chế độ sinh hoạt

Không cần kiêng cữ thức ăn nào hết cũng như không cần hạn chế bất cứ hoạt động thể chất nào hết của trẻ. Cho trẻ tiêm chủng bình thường để phòng tránh các bệnh khác.

Viết bình luận của bạn