Bế bé nhiều có làm bé “hư” hay không?
Kinh nghiệm của biết bao nhiêu thế hệ bà mẹ trong suốt lịch sử cũng như những nghiên cứu hiện nay đều cho thấy rằng các bé sẽ hạnh phúc nhất, khỏe mạnh nhất và thông minh nhất khi được ở gần mẹ và những người thân trong gia đình.
Dù đang thức hay ngủ, đang buồn hay đang vui thì bé cũng đều muốn được ở trong vòng tay mẹ. Nghiên cứu cho thấy khi bé được mẹ bồng lên tay, bé sẽ lớn nhanh hơn và khám phá thế giới xung quanh tốt hơn. Điều này rất dễ hiểu, ví dụ khi bé được mẹ bế, mẹ đeo trên địu để cùng mẹ làm việc nhà chẳng hạn, thì bé sẽ quan sát được nhiều hơn so với việc nằm yên trong cũi. Cũng nhờ vậy, bé ít khóc hơn và tốn ít năng lượng cho việc khóc. Cách chăm sóc bé như thế này dựa trên việc tôn trọng cảm xúc của bé.
Để vừa bế bé mà vẫn có thể làm việc của mình (việc nhà), hãy dùng địu để đeo bé. Có loại địu giống như chiếc khăn quấn thì sẽ dùng đa năng hơn so với loại địu chỉ đeo được phía trước, mẹ có thể dễ dàng cho bé bú ngay trong địu và cũng có thể ôm bé ở nhiều tư thế khác nhau (bé quay mặt vào mẹ hoặc quay ra ngoài, bé nằm ngang giống như tư thế bú ngồi,…). Những bé sinh non nếu đủ thể lực cũng có thể được đeo trong địu như vậy, thường là da-tiếp-da với bố mẹ luôn.
Nghiên cứu cho thấy những bé được cha mẹ địu như vậy thường trở nên an tâm và sẽ rất tự lập khi lớn lên. Chúng biết cách đặt lòng tin vào con người và thế giới xung quanh, cảm thấy yên ổn trong lòng. Những cảm xúc yêu thương, yên tâm và tôn trọng mà bé cảm thấy lúc này sẽ in sâu vào tâm trí trẻ và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của bé lúc lớn lên. Quả là cuộc đời con bắt đầu từ người mẹ.
Việc cho bé bú theo nhu cầu không chỉ giúp mẹ duy trì lượng sữa (bé càng bú nhiều thì cơ thể mẹ càng sản xuất nhiều sữa), mà còn giúp mẹ có thể kịp thời dỗ dành bé, giúp bé cảm thấy dễ chịu hoặc đơn giản là ôm bé khi bé cần. Miệng bé là bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể nhỏ bé, và việc ngậm vú mẹ khiến bé cảm thấy rất dễ chịu. Vú mẹ luôn sạch sẽ và an toàn cho bé, không giống như núm vú giả, có thể rớt xuống sàn và bị dính bẩn. Đừng nhìn đồng hồ, hãy nhìn vào bé. Bé sẽ báo cho mẹ biết khi bé thấy khát hay khi bé muốn bú. Tuy nhiên, núm vú giả cũng có ích trong một số trường hợp nhất định. Hãy thận trọng khi sử dụng, tránh dẫn đến việc bé không chịu bú mẹ.
Với những bé hay khóc đêm thì việc chăm sóc bé quả là một thách thức với những người làm cha mẹ lần đầu. Mọi chuyện còn “rối” hơn nữa khi người thân, bạn bè đều nói rằng: nếu mỗi khi bé khóc là mẹ bế bé lên liền hoặc cho bé bú ngay là sẽ khiến bé hư. Nhiều người sẽ khuyên mẹ tập cho bé cách “tự trấn an” mình và sẽ tự ngủ mà không cần mẹ dỗ dành. Và quả thực “luyện ngủ” đã trở thành một xu hướng trong cộng đồng các bà mẹ, nó cũng đã chứng tỏ có hiệu quả nhất định. Thế nhưng nhiều mẹ vẫn thấy thoải mái hơn khi được tới với con ngay mỗi khi con khóc, dù là đang ban ngày hay ban đêm.
Nếu mẹ vẫn còn lo lắng rằng việc bế bé sẽ làm bé hư, thì hãy tưởng tượng rằng: nếu mẹ thấy sợ hãi tới mức khóc lên mà có một người lớn yêu thương bạn, ở ngay gần bạn nhưng lại không chịu tới an ủi, trấn tĩnh bạn, mà bắt bạn phải “nhớ lại” cái ôm lúc ban chiều để tự nín khóc, thì liệu bạn có nín hay không? Hoặc dù có nín khóc thì bạn có thể thấy yên tâm hay thoải mái hay không khi mà người lớn đó ở ngay bên cạnh nhưng không chịu tới bên bạn khi bạn cần?