5 vấn đề tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ
Do hệ tiêu hóa còn non nớt nên trẻ em thường dễ bị các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có 5 vấn đề tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ nhỏ bao gồm: Đau bụng, Trào ngược dạ dày- thực quản; Không dung nạp Lactose; Tiêu chảy, Táo bón.
1. Đau bụng
Đau bụng ở trẻ có thể do đói, mệt mỏi, hoặc chỉ là quá no hoặc đầy hơi. Nguyên nhân chính xác của đau bụng có thể không rõ ràng. Trong hầu hết các trường hợp, đau bụng nhẹ ở trẻ mới biết đi sẽ không làm cho trẻ kém ăn hoặc chơi ít đi. Với một mức độ đau bụng vừa phải, trẻ có thể nhăn nhó và kém hoạt động hơn. Nhưng, nếu một đứa trẻ đang nằm cong chân và khóc, trẻ có thể bị đau bụng dữ dội.
Hầu hết các cơn đau bụng mãn tính ở trẻ đều là đau bụng chức năng. Có nghĩa là, mặc dù cơn đau là có thật, nhưng nó có thể không phải bệnh lý. Tuy nhiên, không nên bỏ qua cơn đau bụng ở trẻ em, đặc biệt là khi đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, nôn, đại tiện phân máu, thức dậy trong đêm vì đau hoặc đau khi đi tiểu. Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng này, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám để loại trừ các bệnh lý ngoại khoa như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột... hoặc các bệnh lý nội khoa như viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường ruột, rối loạn tiêu hóa...
2. Trào ngược dạ dày- thực quản ở trẻ mới biết đi
Nó cũng được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trào ngược là rò rỉ dịch dạ dày hoặc axit vào thực quản. Trẻ mới biết đi và trẻ lớn bị GERD có thể có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau bụng mơ hồ, quanh rốn và có thể đau ngực.
- Buồn nôn hoặc chóng mặt.
- Cảm giác thức ăn trào ngược lên và cần phải nuốt lại.
- Cảm giác thức ăn không di chuyển xuống hoặc bị mắc kẹt. Một số trẻ có thể có các triệu chứng giống hen suyễn như ho hoặc khò khè, hoặc các triệu chứng này nặng hơn do trào ngược.
Chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong việc quản lý GERD. Chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp ngăn ngừa GERD. Vì vậy, thay vì tìm thuốc giảm đau cho trẻ, cha mẹ nên cố gắng tránh những điều sau đây để ngăn ngừa GERD ở trẻ:
- Thực phẩm cay, có tính axit hoặc chua, cam quýt, nước táo, nước uống có ga, trà, cà phê, sô cô la nóng, sô cô la và cam thảo.
- Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen và các sản phẩm có chứa cồn.
Trong chế độ ăn uống, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn cam quýt
3. Không dung nạp Lactose
Lactose là đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Lactase, một loại enzyme tiêu hóa được sản xuất bởi ruột non, giúp phá vỡ loại đường phức tạp này thành hai loại đường đơn. Thiếu hoặc không có lactase dẫn đến không dung nạp lactose.
Không dung lạp Lactose ở trẻ em có thể xuất hiện từ khi sinh ra hoặc phát triển trong một thời gian ngắn do nhiễm rotavirus hoặc nhiễm giardia. Nhiễm trùng gây tổn thương niêm mạc ruột nơi sản xuất enzyme. Tuy nhiên, khi niêm mạc ruột trở lại bình thường trong vòng ba đến bốn tuần, tình trạng không dung nạp đường lactose sẽ biến mất.
Một đứa trẻ bị không dung nạp đường lactose có thể đau bụng, ợ hơi thường xuyên, sôi bụng, đầy hơi và tiêu chảy sau khi uống sữa.
Để ngăn ngừa đau bụng ở trẻ em do không dung nạp đường lactose, có thể sử dụng các lựa chọn thay thế cho sữa bò như sữa đậu nành. Nhưng bổ sung đầy đủ canxi trong chế độ ăn uống. Trong trường hợp tiêu chảy do Giardia, cần điều trị kháng sinh kết hợp với chế độ ăn hợp lý.
4. Tiêu chảy
Tiêu chảy ở trẻ nhỏ là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Tiêu chảy cấp, thường hảy được gọi là viêm dạ dày ruột cấp tính, biểu hiện là đi ngoài phân lỏng và nhiều lần hơn bình thường (>3 lần/ngày)
Tiêu chảy ở trẻ mới biết đi chủ yếu gây mất nước và điện giải. Trẻ nhỏ bị mất nước nhẹ có thể được điều trị bằng các giải pháp bù nước, điện giải bằng đường uống (ORS). Mặc dù nước trái cây, coca và đồ uống đóng hộp thường được sử dụng, nhưng chúng không thay thế được cho ORS, và có thể làm nặng thêm bệnh tiêu chảy. Trẻ bị tiêu chảy nặng, nôn và mất nước, không bù được nước bằng đường uống cần được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế.
5. Táo bón
Táo bón là đi đại tiện ít hơn ba lần một tuần, đi đại tiện khó khăn hoặc khối phân to cứng. Táo bón ở trẻ em hầu hết bắt đầu xuất hiện khi trẻ bắt đầu ăn đặc, hoặc khi bắt đầu đi học, sau khi thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi người chăm sóc hoặc thay đổi chế độ ăn uống.
Trẻ mới biết đi bị táo bón có thể xuất hiện các triệu chứng như bắt chéo chân, đứng trên ngón chân hoặc siết chặt mông để cố gắng tránh đại tiện. Táo bón có thể gây đau bụng, nứt kẽ hậu môn, đi ngoài phân máu, giảm cảm giác thèm ăn và hoạt động.
Táo bón ở trẻ em có thể được điều trị thông qua giáo dục, sửa đổi hành vi, thay đổi chế độ ăn uống và hình thành thói quen đại tiện. Ăn thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm ngũ cốc nguyên cám, mơ, táo, lê, dưa, đậu, súp lơ xanh, cà rốt, củ cải đường, súp lơ, bánh mì và mì ống... thường có hiệu quả với trẻ bị táo bón. Tăng hoạt động thể chất của bệnh nhân cũng giúp thúc đẩy nhu động ruột thường xuyên và giảm táo bón.