10 điều cần biết về rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Rối loạn tiêu hóa gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con trẻ. Để phòng tránh – xử trí đúng cách rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ cần nắm vững 10 điều sau.
Điều số 1: Nguyên nhân phổ biến gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể do rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên theo thống kê của các chuyên gia y tế, các nhóm nguyên nhân sau đây là phổ biến nhất.
Nhiễm khuẩn tiêu hóa
Nhiễm vi khuẩn, virus: Virus Rota là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ dưới 2 tuổi. Tiếp đến là vi khuẩn gram (-) như: E.coli, Shigella, Salmonella enterocolitica, Vibrio cholerae (phẩy khuẩn tả) cũng gây ra tình trạng tiêu chảy.
Chế độ ăn:
- Lười ăn rau, lười uống nước: Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ
- Nhiều dầu mỡ, đồ ngọt: Chế độ ăn không hợp lý, quá nhiều dầu mỡ, trẻ ăn vặt, ăn đồ ngọt như bánh kẹo nhiều có thể dẫn đến phân sống. Do các chất này rất khó tiêu hóa, dẫn đến thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn.
- Thức ăn không đảm bảo vệ sinh (ôi thiu, nhiễm nấm mốc): Thức ăn hỏng, ôi thiu chứa rất nhiều vi sinh vật gây hại. Nên chú ý kiểm tra cẩn thận trước khi cho trẻ ăn để tránh nguy cơ tiêu chảy.
- Dị ứng thực phẩm: Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, rất dễ bị dị ứng với những thực phẩm có nguy cơ cao như trứng, tôm, cua, đạm bò trong sữa. Trong đó tiêu chảy là biểu hiện đầu tiên. Ngoài ra còn có thể có nôn trớ, khó thở, nổi mẩn, phản vệ, rất nguy hiểm cho trẻ.
- Bất dung nạp Lactose: Đây là tình trạng khá phổ biến. Trẻ thiếu enzym lactose để tiêu hóa lactose trong sữa. Trẻ có biểu hiện tiêu chảy sau khi bú sữa khoảng 30p-2h, đầy chướng bụng, phân có mùi chua.
Dùng kháng sinh: Trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa phần đã và đang trong giai đoạn sử dụng kháng sinh. Kháng sinh đường uống thường tiêu diệt cả hại khuẩn lẫn lợi khuẩn trong đường ruột. Dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây ra tiêu chảy, phân sống, hoặc táo bón.
Thói quen sinh hoạt:
- Ít vận động, nhịn đi vệ sinh: Trẻ nhỏ ít vận động thường có nhu động ruột kém. Cộng thêm việc nhịn đi vệ sinh nhiều, phân lắng đọng lâu ngày trong ruột trở nên khô cứng, gây táo bón.
- Hay ngậm đồ chơi, mút tay: Trẻ sơ sinh rất hay có những thói quen này. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ dễ mắc tiêu chảy.
HẬU QUẢ:
Loạn khuẩn đường ruột: mất cân bằng lợi khuẩn – hại khuẩn có thể gây ra táo bón, tiêu chảy, phân sống.
Trẻ nhỏ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân kể trên. Vậy liệu rằng rối loạn tiêu hóa có thể lây lan hay không? Và nếu có thì lây qua đường nào? Cùng tìm hiểu tiếp nhé.
Điều số 2: Những con đường lây bệnh cho trẻ
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn, virus có nguy cơ lây lan. Đây là nguyên nhân dẫn đến trẻ dễ bị tái đi tái lại. Gia đình có 2 bé trở lên hoặc trẻ đi lớp dễ lây chéo với nhau.
Những tác nhân này thường xâm nhập qua da hoặc qua hệ tiêu hóa bằng những con đường sau:
- Vi khuẩn, virus tiềm ẩn trên đồ chơi, quần áo, tay chân, đồ dùng chung (cốc, bát, thìa,…)
- Thức ăn không được chế biến đảm bảo, vẫn còn vi khuẩn gây hại, thức ăn ôi thiu
- Xử lý phân trẻ chưa đúng cách, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại tiếp tục phát triển và phát tán ra môi trường.
- Côn trùng mang mầm bệnh (ruồi, muỗi) bám vào thức ăn hoặc đồ dùng gây bệnh cho trẻ
Do vậy, nên chú ý vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường xung quanh. Đảm bảo những thức ăn của trẻ được chế biến an toàn.
Điều số 3: Các triệu chứng điển hình đầu tiên khi trẻ mắc rối loạn tiêu hóa
Nhận diện rối loạn tiêu hóa từ những triệu chứng đầu tiên giúp mẹ có cách xử lý đúng và hiệu quả. Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa có các triệu chứng điển hình sau:
1. Bất thường về hình thái phân và tần suất đại tiện
Bình thường trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thể đi đại tiện 2-3 ngày một lần, phân mềm. Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể đi ngày 1-2 lần, phân dẻo, có khuôn. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ 3 tháng tuổi có tần suất mắc cao hơn, nhưng nhìn chung, trẻ đều có các biểu hiện sau:
- Khi trẻ đi ít hơn 3 lần/tuần, phân khô cứng chứng tỏ trẻ mắc táo bón.
- Trẻ đi nhiều hơn 3 lần/ngày, phân lỏng, có hoặc không có mùi tanh, nhầy máu. Đây được chẩn đoán là tiêu chảy.
- Trẻ đi 2-3 lần/ngày, phân lỏng, lợn cợn hạt, mùi chua chứng tỏ trẻ đang gặp tình trạng phân sống.
2. Nôn trớ
Dạ dày trẻ sơ sinh nằm ngang, cơ tâm vị yếu nên khi thức ăn tiêu hóa chậm sẽ rất dễ bị trào ngược, gây nôn trớ. Trẻ trên 2 tuổi thì dạ dày đã nằm dọc, tuy nhiên khi rối loạn tiêu hóa, trẻ cũng hay nôn trớ. Nhất là khi trẻ đang mắc tình trạng tiêu chảy, phân sống.
3. Đầy chướng bụng
Thức ăn không được tiêu hóa, chất thải lắng đọng ở ruột già không thải ra ngoài được dễ gây đầy chướng bụng.
Bụng trẻ căng cứng, vỗ nhẹ kêu bộp bộp.
4. Quấy khóc
Bất kỳ tình trạng rối loạn tiêu hóa nào cũng đều gây khó chịu cho trẻ. Trẻ thường quấy khóc, bám mẹ, không chịu chơi, ngủ không sâu giấc.
5. Mất nước
Khi bị tiêu chảy, trẻ thường có dấu hiệu sớm của mất nước như háo khát, kích thích, vật vã, nếp véo da mất chậm, mắt trũng.
6. Hăm loét hậu môn
Hăm loét hậu môn thường gặp khi trẻ bị phân sống. Do thức ăn không được phân cắt và tiêu hóa hoàn toàn ở ruột non. Khi xuống ruột già, bị những vi khuẩn lên men, phân sẽ có tính acid.
Khi con có những dấu hiệu trên, cha mẹ không nên chủ quan. Cần hiểu được mức độ nghiêm trọng của vấn đề ở trẻ.
Điều số 4: Rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?
Tùy từng biểu hiện rối loạn tiêu hóa mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau.
1. Tiêu chảy
Rối loạn tiêu hóa nguy hiểm nhất là khi trẻ tiêu chảy cấp tính. Đây là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển. Bởi tiêu chảy có thể dẫn đến:
- Rối loạn điện giải: Trẻ có thể rơi vào hôn mê, ngừng tim khi mất điện giải nhiều.
- Sốc giảm thể tích tuần hoàn: Mất nước nhiều mà không bù dịch đủ cho trẻ có nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn đột ngột, gây sốc. Trẻ có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Sốt cao gây co giật: Nhiễm trùng có thể khiến trẻ sốt cao. Nếu không biết cách xử lý, trẻ có nguy cơ bị co giật, tổn thương đến não và hệ thần kinh.
- Nhiễm khuẩn máu: Nếu tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ không được xử lý đúng hướng, có nguy cơ nhiễm khuẩn máu, tỷ lệ tử vong rất cao.
2. Táo bón
Táo bón là tình trạng rất hay gặp ở trẻ, tuy không phải tình trạng cấp tính nhưng nếu kéo dài cũng có nguy cơ:
- Phân lắng đọng lâu trong ruột trở nên khô cứng, không thải ra ngoài được. Có nguy cơ gây tắc ruột, phình đại tràng, sa trực tràng.
- Nứt kẽ hậu môn: Táo bón gây khó khăn cho trẻ khi đi đại tiện. Phân ma sát với hậu môn gây nứt kẽ hậu môn, đi ngoài ra máu
- Bệnh trĩ: Táo bón lâu ngày tạo áp lực lên vùng tĩnh mạch hậu môn có thể gây bệnh trĩ
3. Phân sống
Phân sống tuy chưa ảnh hưởng đến sức khỏe ngay nhưng nếu kéo dài có thể gây kém hấp thu chất dinh dưỡng, trẻ có nguy cơ:
- Còi xương
- Suy dinh dưỡng
- Chậm phát triển trí não
- Suy giảm sức đề kháng, dễ ốm vặt
Điều số 5: Khi nào cần đưa trẻ rối loạn tiêu hóa đến bác sĩ?
Cho dù rối loạn tiêu hóa có thể xử lý sớm tại nhà. Nhưng vì mức độ nguy hiểm của nó, cha mẹ nên theo dõi sát sao và đưa con đi khám kịp thời khi có những biểu hiện sau:
- Trẻ gặp tình trạng tiêu chảy liên tục trên 3 ngày hoặc nhiều hơn 10 lần 1 ngày
- Táo bón kéo dài, trẻ đại tiện ra máu
- Phân sống kéo dài trên 2 tuần
- Trẻ sốt cao trên 39 độ
- Trẻ có dấu hiệu mất nước: háo khát, vật vã, kích thích, mắt trũng, nếp véo da mất chậm
- Trẻ đau quặn bụng
- Trẻ sơ sinh có biểu hiện khóc thét không ngừng